“To be or not to be” – “Tồn tại hay không tồn tại” (William Shakespeare). Áp lực của cuộc sống (gia đình, công việc, cơm áo gạo tiền,…) đôi khi khiến chúng ta trở nên “nghẹt thở”, nặng nề, bế tắc hay cảm thấy vô dụng, tuyệt vọng. Những hóa đơn hàng tháng với đủ thứ chi phí hay chuyện vợ chồng trục trặc, con cái không nghe lời, các công việc đến hạn,… có thể biến một ngày nào đó của bạn trở nên mệt mỏi với tương lai âm u phía trước. Vậy động lực nào cho ta lực đẩy để tiếp tục cố gắng vượt qua những giai đoạn khó khăn – khủng hoảng nhất thay vì từ bỏ?

Đã có rất nhiều bài viết nghiên cứu về cách tạo động lực cho bản thân, trong khuôn khổ bài viết này, chỉ đóng góp thêm một số biện pháp và cách nhìn theo quan điểm của Nhà Phật (tổng hợp và phân tích từ các bài Kinh Phật Nguyên thủy), nhằm giúp độc giả – đặc biệt những ai có niềm tin vào Phật Pháp, có được sự vững vàng trước mọi sóng gió như câu thơ “Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”.

1. Biết quý trọng đời sống được làm người

Một số người đã tìm đến cái chết để kết thúc sự khủng hoảng trong tâm lý của mình. Tuy nhiên, Đức Phật dạy chúng ta phải biết quý trọng mạng sống, đời sống được làm người của mình. Không chỉ bởi công cha mẹ mang nặng đẻ đau, dưỡng dục chúng ta, mà theo quan điểm Nhà Phật: Trong 6 nẻo luân hồi (bao gồm địa ngục – súc sinh – ngạ quỷ – người – Atula – Trời), kiếp người không quá sung sướng cũng không quá khổ cực, là điều kiện lý tưởng nhất để rèn luyện, tu tập chuyển hóa bản thân. Nhưng để sinh ra được làm người, để sống trọn kiếp người, đặc biệt sinh ra đúng trong thời kỳ có Phật Pháp là đặc biệt khó, chỉ giống như một cơ hội hy hữu trăm năm có một, như con rùa mù trăm năm nổi lên một lần có thể chui đầu vào cái ách bồng bềnh trên biển khơi (Kinh Pháp Cú 182, Kinh Lỗ Hổng).

2. Phải hiểu quy luật nhân quả – thành quả thường không có được chỉ vì mong muốn, thường không dễ đạt được và thường không đến ngay được

Quy luật nhân quả – nghiệp báo dạy rằng kết quả, hoàn cảnh mà chúng ta gặp phải hôm nay là do hành động, chủ ý trong quá khứ của chính chúng ta lựa chọn và quyết định. Kết quả ngày mai cũng được tạo nên từ chính hành động chủ ý của chúng ta hôm nay.  Giống như hòn đá nặng rơi xuống nước không thể nổi lên nhờ cầu nguyện, chúng ta cũng không thể cầu nguyện để có được kết quả mong muốn mà không hiểu biết về phương pháp, quy luật để tạo ra kết quả ấy (Kinh Người đất phương Tây).

Thứ hai, “quả ngọt” thường không dễ đạt được và không được tạo nên từ cuộc sống buông thả, thỏa mãn theo nhu cầu dục lạc. Muốn đạt được ước mơ, ta cần biết hy sinh những lạc thú, những hưởng thụ hiện tại, để đầu tư, phấn đấu cho từng nấc thang đến mục tiêu của mình, thậm chí không quản ngại mồ hôi, nước mắt. Con đường dẫn đến thành công lớn không trải đầy hoa mà ngược lại có thể còn vô vàn chông gai khiến ta nản chí (Kinh Devadaha).

Thứ ba, thành quả thường không đến ngay được. Đức Phật dạy chúng ta hãy học tính kiên nhẫn của người nông dân, cần cù gieo hạt, chăm bón, vun xới, và chờ đợi ngày gặt quả. Chúng ta hầu như không thể biết chính xác khi nào thành quả sẽ đến, mà khi hội tụ đủ điều kiện chín muồi, thì thành quả sẽ xuất hiện (Kinh Khẩn cấp).

3. Phải khởi lên ý chí dũng mãnh, quyết chí đạt được ước mơ

Hoàn cảnh khó khăn, bế tắc có thể làm chùn ý chí của chúng ta bất cứ lúc nào. Nhưng hãy nhớ học theo Đức Phật: Trước khi Người tu thành chính quả và đạt trí tuệ giác ngộ, Người đã phát nguyện dũng mãnh như thế này: “Cho dù máu thịt ta có kiệt quệ chỉ còn lại da bọc xương, nếu ta chưa đạt được những gì có thể đạt được bởi ý chí, kiên trì và nỗ lực của con người, thì ta sẽ không bỏ cuộc” (Kinh Không ngừng nghỉ). Và thành quả Người đạt được đến nay đã hơn 2500 năm nhân thế vẫn còn ca tụng, tán thán.

4. Học cách trút bỏ gánh nặng, sống đời thanh thản, nhẹ nhõm

Đức Phật dạy ta hiểu về vô thường và vô ngã. Những gì mang bản chất thay đổi (vô thường) thì sẽ mang lại khổ đau cho những ai tham luyến, dính mắc vào chúng. Và những gì mang lại khổ đau thì không phải là tôi, của tôi, hay thuộc về tôi (vô ngã) (Kinh Gánh nặng). Ví dụ bạn thương một người, nhưng người đó không thương bạn, còn bạn thì cứ cho rằng người đó là của bạn, thuộc về bạn, và rút cục bạn tự mang lấy khổ đau cho mình. Chúng ta được toàn quyền trút bỏ gánh nặng mà bấy lâu ta tự đeo cho mình – đó là những thứ mang bản chất phù du, biến đổi, vô thường, vô ngã.

5. Học cách sống đơn giản, thiểu dục tri túc (sống biết đủ)

Lòng tham của con người thường sẽ không dừng lại cho đến khi chúng ta nhận ra tai hại của nó và chế ngự nó. Khi ta có cái này, ta lại muốn cái khác to hơn, đẹp hơn. Phải phân biệt chút là lòng tham này khác với mong muốn liên tục cải tiến để cho đời sống được tốt đẹp hơn, hữu ích hơn, năng suất hơn. Lòng tham ở đây mang tính vị kỷ, bành trướng cái tôi không giới hạn, gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và con người xung quanh. Nhớ lại lời Phật dạy các tỳ kheo ngày xưa phải biết sống đời thiểu dục tri túc, hài lòng với bộ y áo để che thân và thực phẩm khất thực được để làm dịu cơn đói, giống như chú chim bay đi chỉ với đôi cánh là gánh nặng duy nhất của mình (Kinh Sa môn quả). Nếu chúng ta đã có quần áo để che thân và thức ăn khi đói thì hãy nên mỉm cười với cuộc sống. Sống biết đủ, đơn giản sẽ mang lại cho ta sự nhẹ nhõm, thanh thản và nhiều tiếng cười hơn.

Trên đây là 5 cách để giữ động lực và lạc quan trong cuộc sống, được đúc rút tổng hợp từ những lời Phật dạy, mong các bạn sẽ áp dụng được ít nhất 3 trong 5 cách trên để vừa giữ được lửa phấn đấu, vừa giúp cho cuộc sống được nhẹ nhàng, thanh thoát hơn./.