Làm thế nào để có cuộc sống hạnh phúc? Làm thế nào để tạo ra được kết quả tốt đẹp? Tiêu chuẩn nào để tham chiếu khi quyết định thực hiện một hành động để đảm bảo rằng hành động đó là đúng? Tại sao lại có sự khác biệt từ khi sinh ra giữa muôn loài (về hình dáng, hoàn cảnh, sức khỏe, trí tuệ)? Tại sao có những người trong cuộc đời toàn gặp may mắn, thuận lợi trong khi có những người thường gặp xui xẻo, khó khăn?
Đó là những câu hỏi muôn thuở của con người. Đã có nhiều học thuyết cho vấn đề này từ các tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau hay đơn giản chỉ là những đúc rút trong dân gian. Trong đó, nổi bật lên là Quy luật nghiệp báo – một trong những điểm cốt yếu của tôn giáo phương Đông. Bài viết này tổng kết các điểm chính cần ghi nhớ về việc áp dụng Quy luật nghiệp báo trong Phật giáo Nguyên thủy để:
- Giúp bạn có thể hiểu và lí giải cách thức vận hành của chuỗi nhân quả trong đời sống.
- Có thước đo tiêu chuẩn để tham chiếu khi ra quyết định, an tâm khi thực hiện, đảm bảo mang lại kết quả tốt đẹp lâu dài cho bản thân và mọi người.
- Không chùn bước khi gặp khó khăn, không tự ti về hoàn cảnh/điều kiện của mình, mở lòng từ bi hỷ xả với người khác.
- Biết cách kiến tạo nên cuộc sống tốt đẹp hơn, đặc biệt với các Phật tử sẽ có bước đường tu tập vững vàng hơn:
1.Quy luật nghiệp báo:
1.1 Nghiệp (Kinh Một pháp môn quyết trạch):
-
Định nghĩa:
- Nghiệp là hành động có chủ ý, được thực hiện thông qua thân (cơ thể) – khẩu (lời nói) – ý (tâm thức)
-
Nguyên nhân của nghiệp:
- Xúc (tiếp xúc giữa thân tâm và ngoại cảnh) là nguyên nhân trực tiếp của nghiệp.
- Nghiệp được thúc đẩy bởi các trạng thái tâm (nhân ác: tham-sân-si hoặc nhân thiện: vô tham-vô sân-vô si) (Kinh Các căn bản).
-
Phân loại nghiệp:
- Theo tính chất: Nghiệp thiện (dẫn đến quả lạc): không sát sinh, không lấy cắp – không lấy của không cho, không tà dâm, không nói sai sự thật, không nói lời chia rẽ, không nói lời cay độc, không nói lời phù phiếm, không tham lam, không sân hận, chánh kiến (nhận thức đúng đắn). Nghiệp ác (dẫn đến quả khổ): sát sinh, lấy của không cho, tà dâm, nói sai sự thật, nói lời chia rẽ, nói lời cay độc, nói lời phù phiếm, tham lam, sân hận, tà kiến (Kinh Cunda Người thợ rèn). Nghiệp vừa thiện vừa ác (dẫn đến quả vừa khổ vừa lạc – là sự kết hợp của hai loại trên). Nghiệp không thiện không ác (dẫn đến quả chấm dứt nghiệp).
- Theo quả báo: nghiệp đưa đến cảm thọ ở địa ngục, nghiệp đưa đến cảm thọ loài súc sanh, nghiệp đưa đến cảm thọ cõi ngạ quỷ, nghiệp đưa đến cảm thọ thế giới loài Người, có nghiệp đưa đến cảm thọ thế giới chư Thiên.
- Theo thời gian: Nghiệp cũ là lục căn (6 giác quan mắt – tai – mũi – lưỡi – thân thể – tâm thức). Nghiệp mới là hành động được thực hiện qua thân – khẩu – ý ngay trong hiện tại (Kinh Nghiệp).
- Khác: Nghiệp khi làm không thoải mái nhưng dẫn đến quả tốt. Nghiệp khi làm không thoải mái và dẫn đến quả không tốt. Nghiệp khi làm thoải mái nhưng dẫn đến quả không tốt. Nghiệp khi làm thoải mái và dẫn đến quả tốt (Kinh Các trường hợp).
-
Quả báo của nghiệp:
- Có 3 loại – quả báo ngay trong hiện tại, quả báo trong tương lai kiếp này, quả báo trong kiếp sau.
- Nghiệp quả đi liền với nhau như bóng không rời hình, như bánh xe lăn theo con vật kéo (Kinh Pháp cú 1-2).
- Bất cứ khi nào có sự sinh ra, sự hiện hữu, đến lúc đủ điều kiện – nhân duyên chín muồi, quả báo sẽ xuất hiện (Kinh Các nguyên nhân).
-
Sự chấm dứt của nghiệp:
- Nghiệp chấm dứt khi xúc chấm dứt.
- Phương pháp chấm dứt nghiệp là Bát Chánh Đạo (Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định).
1.2 Quy luật nghiệp báo:
-
Định nghĩa:
- Đức Phật dạy rằng: “Tất cả chúng sinh là chủ nhân hành động của mình, là người thọ lãnh hành động của mình, sinh ra từ hành động của mình, có liên hệ qua hành động của mình, và sống phụ thuộc vào hành động của mình. Bất kỳ hành động nào họ thực hiện, dù thiện hay ác, họ sẽ là người thọ lãnh kết quả.” Như vậy, chúng ta là người quyết định và lựa chọn mỗi hành động của mình, và chính chúng ta sẽ phải thọ lãnh kết quả (dù tốt hay xấu) từ hành động đó. Không có đấng Tối cao nào ban phát phước hay giáng họa cho ai, mà chính chúng ta toàn quyền quyết định và chịu trách nhiệm về tương lai hạnh phúc hay khổ đau của mình (Kinh Sự kiện cần phải quan sát).
- Là một phần của quy luật nhân quả – “Cái này có thì cái kia có. Từ sự sinh ra cái này dẫn đến sự sinh ra cái kia. Cái này không thì cái kia không. Từ sự chấm dứt của cái này dẫn đến sự chấm dứt của cái kia.” (Kinh Sợ hãi và hận thù)
- Là một trong những quy luật tự nhiên giống như các quy luật khác trong vụ trụ (quy luật vạn vật hấp dẫn, quy luật chuyển hóa năng lượng,…), quy luật nghiệp báo tự vận hành khách quan và công bằng tuyệt đối theo nguyên lý của nó, chứ không bị điều chỉnh bởi bàn tay Thượng Đế hay Đấng Tối cao nào (Kinh Người đất phương Tây). Tuy nhiên, sự vận hành của quy luật này cực kỳ phức tạp, đan xen giữa những tương tác của muôn loài trải qua vô lượng kiếp sống. Đức Phật đã khuyến cáo việc xác định một cách chi tiết và chính xác sự vận hành của nghiệp quả là bất khả thi và có thể dẫn đến rối loạn tâm thần (Kinh Không Thể Nghĩ Được)
-
Quy luật nghiệp báo tạo nên sự khác biệt bẩm sinh và xuyên suốt cuộc đời giữa các loài chúng sinh.
- Một số trường hợp tổng quát được Kinh Phật ghi lại (Kinh Nghiệp phân biệt, Kinh Quả báo):
- Người hay giết hại chúng sinh không ghê tay, ưa thích bạo lực, đổ máu –> khi chết đọa cõi giới thấp hơn hoặc nếu sinh làm người thì sẽ chết yểu. Ngược lại, người không/ít giết hại chúng sinh, có tâm từ bi, thường che chở người khác –> khi chết tái sinh cõi Trời hoặc nếu làm người sẽ được sống thọ.
- Người hay làm tổn thương, tra tấn, hành hạ chúng sinh bằng tay hay với vũ khí –> khi chết đọa cõi giới thấp hơn hoặc nếu sinh làm người thì sẽ ốm yếu. Ngược lại, sẽ được khỏe mạnh.
- Người hay giận dữ, dễ bị kích động, chỉ cần bị nhắc nhở nhẹ nhàng cũng nổi sung lên, để bụng, sân hận, khó chịu –> khi chết đọa cõi giới thấp hơn hoặc nếu sinh làm người thì sẽ xấu xí. Ngược lại, sẽ được xinh đẹp.
- Người hay ghen tỵ với thành quả – địa vị -… của người khác –> khi chết đọa cõi giới thấp hơn hoặc nếu sinh làm người thì sẽ không có tầm ảnh hưởng. Ngược lại, sẽ có tầm ảnh hưởng.
- Người keo kiệt, không làm từ thiện, bố thí, cúng dường –> khi chết đọa cõi giới thấp hơn hoặc nếu sinh làm người thì sẽ nghèo khó. Ngược lại, sẽ được giàu có.
- Người ngang bướng, kiêu ngạo, không chịu kính trọng người đáng được kính trọng, không chịu nhường chỗ/nhường đường cho người đáng được nhường chỗ/nhường đường, không tôn vinh người đáng được tôn vinh –> khi chết đọa cõi giới thấp hơn hoặc nếu sinh làm người thì sẽ có địa vị thấp. Ngược lại, sẽ có địa vị cao.
- Người không chịu học hỏi điều hay lẽ phải, khi gặp thầy không chịu hỏi về những nên hay không nên, thiện hay ác, việc gì nên tu dưỡng, việc gì nên làm để có được hạnh phúc lâu bền –> khi chết đọa cõi giới thấp hơn hoặc nếu sinh làm người thì sẽ tối tăm ngu dốt. Ngược lại, sẽ thông minh sáng lạn.
- Lấy cắp, lấy của không cho –> khi chết đọa cõi giới thấp hơn hoặc quả báo nhẹ nhất nếu sinh làm người thì sẽ mất của.
- Tà dâm –> khi chết đọa cõi giới thấp hơn hoặc quả báo nhẹ nhất nếu sinh làm người thì sẽ bị người thù hận, hiềm khích.
- Nói sai sự thật, nói dối –> khi chết đọa cõi giới thấp hơn hoặc quả báo nhẹ nhất nếu sinh làm người thì sẽ bị vu oan.
- Nói lời chia rẽ –> khi chết đọa cõi giới thấp hơn hoặc quả báo nhẹ nhất nếu sinh làm người thì sẽ bị mất bạn.
- Nói lời cay độc –> khi chết đọa cõi giới thấp hơn hoặc quả báo nhẹ nhất nếu sinh làm người thì sẽ phải nghe những âm thanh khó chịu.
- Nói lời phù phiếm –> khi chết đọa cõi giới thấp hơn hoặc quả báo nhẹ nhất nếu sinh làm người thì lời nói không có trọng lượng.
- Say sưa với chất kích thích (rượu, bia,…) –> khi chết đọa cõi giới thấp hơn hoặc quả báo nhẹ nhất nếu sinh làm người thì sẽ dẫn đến thiểu năng hoặc rối loạn tâm thần.
- 5 loại nghiệp sẽ chắc chắn đọa cảnh vô cùng cực khổ, cõi địa ngục không thể cứu vãn (Kinh Ngũ nghịch)
- Giết mẹ mình
- Giết cha mình
- Giết một vị A-la-hán
- Với ác tâm làm Như Lai chảy máu
- Chia rẽ Tăng đoàn
- Tuy nhiên, sự phức tạp của nghiệp quả ở chỗ: có người tạo ác nghiệp, nhưng vẫn tái sinh nơi cao hơn/chỗ tốt lành; có người làm thiện nghiệp lại tái sinh cõi thấp hơn. Trường hợp thứ nhất: Đó là do người tạo ác nghiệp có thể đã thực hiện thiện nghiệp trước hoặc sau ác nghiệp đó mà dẫn đến quả tốt hoặc khi chết có chánh kiến – tuy nhiên, người đó sẽ phải chịu quả báo cho ác nghiệp đã làm trong đời này, hoặc đời sau, hoặc đời sau nữa. Tương tự như đối với trường hợp thứ hai (Kinh Đại Nghiệp Phân Biệt).
- Một số trường hợp tổng quát được Kinh Phật ghi lại (Kinh Nghiệp phân biệt, Kinh Quả báo):
-
Một số đặc điểm cần lưu ý của nghiệp báo:
- Mỗi chúng sinh được trong sạch, cao quý hay không là do nghiệp của chính mình, chứ không phải do địa vị, giai cấp (Kinh Cunda Người thợ rèn, Kinh Chân tướng).
- Quả báo (trải nghiệm) hiện tại là kết quả của cả nghiệp quá khứ và nghiệp hiện tại (Kinh Devadaha). Do đó, quả báo không phải là “định mệnh”, không thể thay đổi, mà có thể được chuyển hóa (nhẹ hơn hoặc nặng hơn) tùy theo nghiệp hiện tại của một người.
- Trải nghiệm hiện tại của một người đa số được tạo ra bởi nghiệp. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi trải nghiệm đều là do tác động của quy luật nghiệp báo, mà còn chịu chi phối của các quy luật tự nhiên khác vận hành trong vũ trụ (Kinh Siivaka).
- Tu khổ hạnh không thể làm tiêu hao được nghiệp đã tạo trong quá khứ (Kinh Devadaha).
- Người tạo nghiệp và người lãnh quả báo là một hay khác nhau? Việc kết luận đó rơi vào hai thái cực, để tránh hai thái cực này, Đức Phật dạy con đường trung đạo (12 nhân duyên), chỉ phân tích theo chuỗi nhân quả. Thật vậy, bạn hai mươi mấy tuổi ngày hôm nay có còn là bạn hồi năm tuổi không? Trạng thái thân tâm liên tục thay đổi hàng sát na (một phần trăm giây) – gọi là 1 người cũng không đúng, mà gọi là 2 người cũng không đúng, cách tốt nhất là chúng ta nhìn nó như một hiện tượng tự nhiên, một chuỗi nhân quả liên tục chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác (như một dòng sông luôn trôi chảy) (Kinh Một Vị Bà-La-Môn).
- Hai người cùng tạo nghiệp giống nhau nhưng quả báo nhận có thể khác nhau. Đức Phật đã cho chúng ta một ẩn dụ rất dễ hình dung, đó là cùng một nắm muối, nếu bỏ vào cốc nước thì mặn chát không uống được, nhưng nếu bỏ xuống dòng sông Hằng thì nước sông sẽ chẳng vì thế mà trở nên mặn. Tương tự, cùng một nghiệp ác nhỏ nhặt có thể khiến người này đọa cõi thấp hơn, nhưng có khi lại chỉ khiến người khác nhận quả báo ngay trong đời này, hoặc hầu như không hề hấn gì. Nguyên nhân phụ thuộc vào chính người tạo nghiệp: Một người chưa phát triển về đạo đức – trí tuệ, tâm tính hẹp hòi, độc ác thì chỉ cần tạo một nghiệp ác nhỏ cũng đủ đọa cõi thấp hơn. Ngược lại, người đã phát triển về đạo đức – trí tuệ, rộng lượng, nhân hậu, cùng tạo một nghiệp ác nhỏ như vậy nhưng chỉ phải thọ quả ngay trong đời này hoặc hầu như không hề hấn gì (Kinh Hạt Muối).
2. Cách vận dụng quy luật nghiệp báo trong cuộc sống
(vui lòng theo dõi tiếp trong kỳ 2)