Trong kỳ trước, chúng ta đã được làm quen với khái niệm Nghiệp-Quả, Quy luật nghiệp báo, Quy luật này tạo nên sự khác biệt xuyên suốt cuộc đời mỗi con người như thế nào, Những điểm cần lưu ý,… Kỳ này chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn về cách áp dụng Quy luật nghiệp báo trong cuộc sống sao cho lợi lạc nhất, toại nguyện nhất:

1. Xóa bỏ mặc cảm tự ti, dừng than thân trách phận:

Nhiều bạn luôn thấy tự ti vì mình sinh ra trong một gia đình nghèo, địa vị thấp, ngoại hình không đẹp,… đến mức tự thu mình, không muốn gặp gỡ giao tiếp với ai. Hay có bạn gặp phải những rủi ro trong cuộc sống, rơi vào cảnh khó khăn hoặc bế tắc, liền than thân trách phận, đổ lỗi cho ông Trời hay định mệnh, đắm mình vào những suy nghĩ tiêu cực hay thậm chí tìm đến men say/ chất kích thích để giải sầu, chưa kể đến sa chân vào con đường tội lỗi. Trước hết, chúng ta hãy luôn nhớ lời Phật dạy, mỗi người sinh ra cao quý hay thấp hèn là do chính hành động của mình quyết định, chứ không phải do địa vị hay giai cấp. Thứ hai, nhớ lại rằng hoàn cảnh ta gặp phải ngày hôm nay không phải do Thượng Đế hay ông Trời thưởng phạt, mà do chính hành động trong quá khứ (đời này hoặc nhiều đời trước) của ta quyết định. Chúng ta cần phải chịu trách nhiệm về kết quả này thay vì đổ lỗi cho ai đó. Hàng ngày, cần luôn tâm niệm lời dạy của Đức Phật: “Tất cả chúng sinh là chủ nhân hành động của mình, là người thọ lãnh hành động của mình, sinh ra từ hành động của mình, có liên hệ qua hành động của mình, và sống phụ thuộc vào hành động của mình. Bất kỳ hành động nào họ thực hiện, dù thiện hay ác, họ sẽ là người thọ lãnh kết quả.” (Kinh Sự kiện cần phải quan sát).

2. Xác định, lựa chọn việc đúng đắn để làm:

Giống như đứng trước con đường có nhiều ngã rẽ, chúng ta thường phải ra quyết định hàng ngày từ những vấn đề lớn đến nhỏ. Sự phức tạp của mối quan hệ giữa người với người, cũng như những xác suất/ rủi ro không thể đoán trước khiến việc xác định đâu là lựa chọn đúng đắn trở nên khó khăn hơn. Đức phật hướng dẫn chúng ta một số phương pháp để lựa chọn việc làm đúng đắn cho mình:

  • Tự mình kiểm nghiệm, đặt kết quả lên bàn cân:

Ngày nay có nhiều nguồn để ta tham khảo trước khi ra quyết định, có thể là sách báo, truyển thống, giáo lý, người tư vấn, người thầy hay thậm chí tin đồn,… Tuy nhiên, Đức Phật dạy ta đừng bao giờ quên một nguồn đáng tin cậy nhất – đó là chính mình. Hãy tự mình tư duy, thử giả định hành động đó xảy ra trong thực tế, nếu kết quả mang lại là tốt đẹp, lợi người, lợi mình, không thể chê trách, được bậc trí khen ngợi, thì hãy nên làm. Ngược lại, nếu kết quả mang lại khổ người, khổ mình, bị bậc trí chê trách, thì không nên làm (Kinh Kalama).

  • Một cách tương tự đó là phân chia suy nghĩ của mình thành hai loại và kiểm nghiệm kết quả của nó:

Đây là kinh nghiệm tu tập trước khi giác ngộ mà Đức Phật đã chia sẻ với các tỳ kheo. Những suy nghĩ dẫn đến kết quả tiêu cực, làm khổ mình, khổ người thì đặt quyết tâm coi chừng chúng, từ bỏ chúng. Ngược lại, những suy nghĩ dẫn đến kết quả tích cực, ích lợi cho mình, cho người thì phát triển, duy trì chúng (Kinh Song tầm).

  • Quán chiếu trước, trong và sau khi hành động: 

Có một phẩm chất quan trọng giúp đảm bảo lợi ích trong hiện tại cũng như tương lai, theo lời Phật dạy trong bài Kinh Không phóng dật, đó là sự chú tâm (giống như kích thước dấu chân voi là lớn nhất, có thể bao trọn dấu chân các loài khác). Sự chú tâm được Đức Phật hướng dẫn chi tiết cho con trai La Hầu La (Đại Kinh Giáo Giới La-Hầu-La) như sau:

  • Trước khi thực hiện một hành động qua thân – khẩu – ý, cần suy nghĩ về kết quả của nó, nếu dẫn đến kết quả hại mình, hại người thì không nên làm. Ngược lại, nếu hành động đó dẫn đến kết quả ích mình, ích người thì chúng ta nên làm.
  • Trong khi thực hiện một hành động, ta vẫn cần tiếp tục quán chiếu về kết quả, nếu dẫn đến kết quả không tốt thì không nên tiếp tục làm và ngược lại.
  • Sau khi thực hiện một hành động, ta lại quán chiếu về kết quả của nó, nếu là kết quả không tốt, ta nên thú nhận với người thầy hoặc người bạn tâm linh của mình và quyết tâm không lặp lại lần sau. Ngược lại, nếu hành động đó dẫn đến kết quả tốt, ta nên vui mừng, tiếp tục rèn luyện ngày đêm trong những thiện pháp.

3. Quyết tâm diệt tận gốc các tính chất bất thiện trong tâm để trừ hậu họa về sau:

Tại sao phải làm như vậy? Bởi vì nếu ta tạo ác nghiệp, cho dù có nói ta thương chính bản thân mình thì kỳ thực không phải vậy, những gì ta làm chẳng khác những gì kẻ thù làm cho nhau (Kinh Thân ái). Có thể những đau khổ bạn đã, đang gây cho người mà bạn muốn trả thù khiến bạn thấy đắc ý, nhưng bạn sẽ không thấy được xa hơn, chính bạn sẽ phải chịu những đau khổ gấp thế nhiều lần, do tác động của quy luật nghiệp báo, “trồng cây nào, rào cây ấy”.

Tuy nhiên, để từ bỏ hoàn toàn ác nghiệp không phải việc dễ dàng hay ngày một ngày hai dù có thể bạn đã ý thức được hậu quả và mong muốn từ bỏ. Tuy khó nhưng không phải không thể. Đức phật dạy chúng ta ai cũng có thể từ bỏ hoàn toàn những tính chất bất thiện & phát triển những phẩm tính thiện (Kinh Thiện). Thiện/bất thiện Đức Phật nhắc đến ở đây là thiện/bất thiện xảo – có nghĩa là không chỉ bao hàm ý nghĩa tốt/xấu mà còn là sự khéo léo/không khéo léo. Diệt trừ tận gốc ác nghiệp cần phải được thực hiện triệt để giống như cách ta đốt một hạt giống thành tro bụi rồi thả tro ấy cho gió cuốn đi hoặc đem rắc tro ấy xuống dòng nước chảy xiết, để cho những hạt giống đó bị diệt trừ tận gốc, không còn có thể sinh sôi, phát triển trong tương lai được nữa (Kinh Các nguyên nhân).

4. Làm cách nào để giảm nhẹ quả báo của ác nghiệp trong quá khứ?

Nếu chúng ta đã trót tạo ác nghiệp, Đức Phật hướng dẫn cách thức để làm tiêu trừ hoặc giảm nhẹ hậu quả của chúng như sau (Kinh Vỏ ốc):

  • Từ bỏ ngay lập tức, không thực hiện ác nghiệp đó trong tương lai
  • Tập thiền rải tâm từ, bi, hỷ, xả ra khắp muôn phương, đến tất cả chúng sinh, giống như chiếc tù và lớn gióng lên cả bốn phương đều nghe thấy.

5. Biết cách kiến tạo hạnh phúc mong muốn:

Ai cũng mong muốn được sống khỏe, sống lâu, được sắc đẹp, được vui sướng, có địa vị,…Tất cả những điều ấy không thể có được nhờ cầu nguyện, mà bắt buộc phải trải qua con đường/ phương pháp đúng đắn (Kinh Lạc Khả) (chi tiết xem Kỳ 1).

Đức Phật dạy có những phẩm tính chung hay còn gọi là những “kho báu” mà bất cứ ai khi rèn luyện có được cũng đều mang lại lợi ích lâu dài cho mình:

  • 4 phẩm tính mang lại giàu có & hạnh phúc lâu dài ngay trong đời này (Kinh Người Koliya):

    • Tháo vát: dù làm nghề gì cũng cần trở nên thiện xảo, không lười biếng, nhận thức đúng về cách thức & phương tiện tiến hành công việc, có khả năng triển khai & phân bổ nhiệm vụ.
    • Cẩn trọng phòng hộ: của cải làm ra từ mồ hôi công sức của mình phải biết cẩn trọng giữ gìn, không để bị Nhà nước tịch thu, bị lửa thiêu, nước cuốn, trộm cắp,…
    • Có bạn bè tốt: kết bạn với những người có và hành động một cách có văn hóa, trung tín, có đạo đức, có tâm từ bi, có trí tuệ.
    • Có cuộc sống cân bằng: kiểm soát được thu nhập và chi tiêu của mình, sống cân bằng, không lãng phí, không hà tiện, luôn giữ cho thu nhập lớn hơn chi tiêu.
  • 4 phẩm tính mang lại hạnh phúc lâu dài trong tương lai, đời sau (Kinh Người Koliya):

    • Có niềm tin chân chính: tin Phật Pháp, tin vào sự Giác ngộ của Đức Phật & những lời dạy của Ngài.
    • Có đạo đức: từ bỏ, hạn chế các ác nghiệp như sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói không đúng sự thật, say sưa với các chất kích thích làm mê mờ đầu óc,…
    • Có tâm từ bi: tâm không tham lam, sẵn sàng ban vui cứu khổ, mở rộng vòng tay, hào phóng cứu giúp những người cần giúp đỡ, vui vẻ bố thí, cúng dường.
    • Có trí tuệ: hiểu rõ sự sinh diệt của ngũ uẩn (thân sắc, cảm thọ, suy tưởng, tư duy, nhận thức), có trí tuệ thâm sâu dẫn đến giải thoát khỏi khổ đau.
  • 7 “kho báu” giúp một người luôn giàu có, sống đời có ý nghĩa (Kinh Các tài sản rộng thuyết):

    • Tín tài: tin Phật Pháp, tin vào sự Giác ngộ của Đức Phật & những lời dạy của Ngài.
    • Giới tài: từ bỏ, hạn chế các ác nghiệp như sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói không đúng sự thật, say sưa với các chất kích thích làm mê mờ đầu óc,…
    • Tàm tài: cảm thấy xấu hổ với những hành động xấu của thân – khẩu – ý (thân thể – lời nói – suy nghĩ).
    • Quý tài: sợ hãi hậu quả phát sinh từ những hành động xấu của thân – khẩu – ý.
    • Văn tài: luôn lắng nghe, ghi nhớ, ôn luyện, suy ngẫm, thực hành và thâm nhập những lời dạy của bậc trí.
    • Thí tài: không keo kiệt, sẵn sàng ban vui cứu khổ, mở rộng vòng tay, hào phóng cứu giúp những người cần giúp đỡ, vui vẻ bố thí, cúng dường.
    • Tuệ tài: hiểu rõ lẽ nhân quả sinh diệt, có trí tuệ thâm sâu dẫn đến giải thoát khỏi khổ đau.

Trên đây là những đúc kết lời Phật dạy phương pháp áp dụng quy luật nghiệp báo trong cuộc sống hàng ngày để có được cuộc sống hạnh phúc ngay trong hiện tại và lâu dài về sau. Tuy nhiên, các đúc rút trên mới chỉ giới hạn trong cuộc sống của Phật tử tại gia, đối với người xuất gia cần nắm được phương pháp chấm dứt nghiệp mà sẽ được trình bày trong các bài viết sau. Rất mong bài viết sẽ mang lại những lợi lạc nhất định cho quý đạo hữu!