Cái chết không chừa một ai, không ai thoát khỏi cái chết. Sự sống là không chắc chắn, còn cái chết là chắc chắn sẽ đến. Chúng ta thường nghĩ đến cái chết với sự sợ hãi tột cùng, đến nỗi chúng ta không dám nhắc đến nó, không dám tưởng tượng ra cái viễn cảnh đau thương ấy. Đó là khi chúng ta phải bỏ lại hết tất cả những gì của ta, từ thân thể này, gia đình này, tài sản, bạn bè,…, không mang theo được gì về bên kia thế giới. Đó là nỗi mất mát, đau thương không thể nào tả xiết.
Thế nhưng Đức Phật dạy chúng ta cần luôn tâm niệm, suy ngẫm, chiêm nghiệm về cái chết. Nó mang lại rất nhiều lợi lạc cho chúng ta:
- Chúng ta sẽ có sự chuẩn bị, thu xếp ổn thỏa mọi việc quan trọng cần làm. Khi cái chết bất ngờ ập đến bất cứ lúc nào, chúng ta sẽ nhắm mắt ra đi với một nụ cười viên mãn, không hối tiếc vì còn những việc quan trọng chưa làm, những lời yêu thương chưa nói,…
- Chúng ta sẽ sống trọn vẹn từng phút giây, không lãng phí thời gian vào những việc vô bổ vì chúng ta luôn ý thức được quỹ thời gian có hạn của mình trước khi cái chết đến. Chúng ta biết ưu tiên tập trung vào những việc quan trọng, ý nghĩa của cuộc đời.
- Chúng ta sẽ bớt phiền não, sống thanh thản nhẹ nhàng hơn. Khi biết rằng mọi sở hữu chỉ là tương đối, đến cuối cùng chúng ta chẳng thể mang theo bất kỳ sự sở hữu nào, chúng ta sẽ bớt tham lam, dính mắc, sẽ hào phóng giúp đỡ, bố thí. Khi biết rằng những người xung quanh cũng như ta, rồi sẽ đến ngày ta phải vĩnh biệt họ, ta sẽ bớt sân hận, sẽ dễ dàng tha thứ cho họ, độ lượng hơn, bình tĩnh hơn.
- Do chúng ta sống trọn vẹn hơn, bớt tham-sân-si, kết quả là chúng ta sẽ sống cuộc đời này hạnh phúc hơn, an vui hơn, và sẽ có kiếp sau tốt đẹp hơn. Đối với người xuất gia, quán niệm về cái chết giúp thúc đẩy quả giác ngộ, tới cõi Niết Bàn.
Vậy quán niệm về cái chết như thế nào cho đúng? Đức Phật dạy chúng ta phải thường xuyên quán niệm như sau:
- “Nếu tôi có thể sống trong thời gian nhai một miếng thức ăn. hoặc trong thời gian thở ra sau khi hít vào, hoặc trong thời gian hít vào sau khi thở ra mà tôi có thể tập trung vào lời Đức Phật dạy, thì tôi đã thành tựu được rất nhiều rồi.” (Kinh Quán niệm về cái chết 1)
- “Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến cái chết của ta như bị loài có nọc độc cắn, bị ngã, bị tai nạn, bị bệnh,…”. “Liệu còn yếu tố tâm thức tiêu cực, bất thiện nào trong ta chưa được loại bỏ mà có thể là trở ngại cho ta nếu ta chết hôm nay hay không?” Nếu sau khi quán như thế, bạn thấy vẫn còn yếu tố tâm thức tiêu cực, bất thiện, thì bạn phải nỗ lực, tập trung hết sức loại bỏ yếu tố đó – như thể trên đầu mình đang có lửa và phải ngay lập tức tìm mọi cách dập lửa. Nếu quán như thế mà bạn thấy không còn yếu tố tâm thức nào như vậy, thì bạn nên cảm thấy vui sướng, rèn luyện ngày đêm trong các yếu tố tâm thiện lành, tích cực. (Kinh Quán niệm về cái chết 2)
- “Già – bệnh – chết sẽ đến với tôi. Tôi sẽ không còn như hiện tại, tôi sẽ phải xa rời tất cả những gì thân thương nhất đối với tôi. Tôi là chủ nhân cũng là người thừa kế hành động của mình, bất kể hành động nào tôi làm, dù tốt hay xấu, tôi đều phải thọ lãnh kết quả của nó.” Quán niệm như thế, bạn sẽ dần từ bỏ được hoàn toàn những ảo tưởng về tuổi trẻ – sức khỏe – sự sống, và những ác nghiệp gây ra bởi ảo tưởng đó. Thật vậy, khi ta ốm đau, già yếu hoặc mất đi, ta mới hiểu giá trị của những lúc còn thanh xuân, còn khỏe mạnh, và còn sống. Đừng đợi đến lúc đó mới thấy hối tiếc, bạn phải tập quán niệm ngay từ bây giờ, để khi còn trẻ khỏe này, bạn tập trung làm những gì lợi lạc nhất, ý nghĩa nhất. Ngoài ra, Đức Phật dạy ta cũng tiếp tục quán niệm rằng: “Không chỉ mình tôi phải chịu già – bệnh – chết, tất cả mọi chúng sinh đều phải chịu già – bệnh – chết.” Quán niệm như thế, những yếu tố của con đường Đạo sẽ khởi sinh, và chúng ta sẽ phát triển theo con đường đó, để mọi bất thiện tâm bị diệt trừ. (Theo Kinh Những đề mục quán niệm)
- Từ vô thủy vô chung trong cõi luân hồi, nước mắt chúng sinh rơi xuống vì “ái biệt ly – oán tăng hội” (phải xa lìa những người thân yêu, phải ở gần những người không thích) đã nhiều hơn cả nước biển bốn đại dương. Đã từ rất lâu bạn phải khóc vì nỗi đau mất mát người thân – mất mát của cải – chịu đựng bệnh tật. Đã từ rất lâu bạn phải chịu đựng khổ đau, mất mát, thân xác bạn rải đầy nghĩa địa qua vô số kiếp – đã đủ để bạn từ bỏ tham ái với tất cả những thứ vô thường, được tạo ra bởi điều kiện, đã đủ để bạn quyết tâm tu tập giải thoát. (Theo Kinh Nước mắt)
- Tất cả chúng sinh đều ham sống sợ chết. Tất cả chúng sinh đều mong muốn an vui, không muốn khổ đau. Vì vậy, đừng gây tổn thương cho người khác, đừng làm đau, đừng giết hại họ. (Theo Kinh Bạo lực)
Vậy để đối diện với cái chết không sợ hãi, Đức Phật dạy chúng ta phải thực hiện những điều sau (Theo Kinh Không sợ hãi):
- Từ bỏ tham dục, tham ái, quyến luyến với sắc dục. Có như vậy, khi lâm bệnh nặng hoặc khi đối diện với cái chết, chúng ta sẽ không khởi lên suy nghĩ “Ta sẽ không còn được hưởng những dục lạc ấy, những dục lạc ấy không bị lấy đi khỏi ta”. Không khởi lên suy nghĩ như vậy, chúng ta sẽ không bị dằn vặt, đau khổ, sợ hãi, tuyệt vọng khóc than khi cái chết đến.
- Từ bỏ dính mắc, tham ái với thân xác. Có như vậy, khi lâm bệnh nặng hoặc khi đối diện với cái chết, chúng ta sẽ không khởi lên suy nghĩ “Ta sẽ không còn thân xác này nữa, thân xác này bị lấy đi khỏi ta”. Không khởi lên suy nghĩ như vậy, chúng ta sẽ không bị dằn vặt, đau khổ, sợ hãi, tuyệt vọng khóc than khi cái chết đến.
- Luôn làm những điều thiện lành, thiện xảo, che chở cho kẻ yếu-kẻ sợ hãi, tránh xa điều ác. Có như vậy, khi lâm bệnh nặng hoặc khi đối diện với cái chết, suy nghĩ này khởi lên “Ta đã làm những điều thiện lành, thiện xảo, che chở cho kẻ yếu-kẻ sợ hãi, tránh xa điều ác. Nếu có một cõi khác dành cho những người thiện thì ta sẽ đến đó sau khi chết”. Khởi lên suy nghĩ như vậy, chúng ta sẽ không bị dằn vặt, đau khổ, sợ hãi, tuyệt vọng khóc than khi cái chết đến.
- Tu luyện và nắm chắc Phật Pháp, đạt đến độ chắc chắn, không còn nghi ngờ gì với Đạo Pháp. Có như vậy, khi lâm bệnh nặng hoặc khi đối diện với cái chết, suy nghĩ này khởi lên “Ta đã tu luyện và nắm chắc Chánh Pháp, đạt đến độ chắc chắn, không còn nghi ngờ gì với Chánh Pháp”. Khởi lên suy nghĩ như vậy, chúng ta sẽ không bị dằn vặt, đau khổ, sợ hãi, tuyệt vọng khóc than khi cái chết đến.
Tóm lại, Đức Phật dạy chúng ta phải luôn quán niệm về cái chết, làm điều thiện, tu tập Chánh Pháp đạt đến sự chắc chắn, từ bỏ tham ái dính mắc với dục lạc và thân xác – để khi cái chết (bất ngờ) ập đến, chúng ta sẽ đối diện với nó với tâm bình thản, nhẹ nhàng. Đồng thời, chúng ta sẽ tranh thủ, quý trọng từng phút giây cuộc sống để làm những việc ý nghĩa, như thể ngày mai là ngày cuối cùng của cuộc đời.