Ngày hôm nay của bạn có điều gì được rút ra không? Còn đối với tôi thì có rất nhiều. Ngày hôm nay của tôi – “tháng 3 ngày 16” mà tôi tưởng như “thứ 6 ngày 13” !!! bởi có rất nhiều chuyện xui xẻo, không vừa ý tí nào và vô cùng ngớ ngẩn xảy ra. Điều duy nhất vui vẻ là buổi tối đi chơi với cô em, hai chị em có thật nhiều tâm sự kể chưa hết…
Tôi nhận ra có những lúc mình thật “hung dữ”, tôi phải cố kiềm chế lắm để cơn bức xúc không phá hoại tình hữu nghị xung quanh và xui khiến tôi làm điều gì điên rồ. Nhưng chừng ấy kìm hãm dường như chưa đủ, những tín hiệu tôi phát ra dù đã được bọc “nhiều đường” mà nghe vẫn cay đắng làm sao.
Những lúc thế này tôi mới thấm thía lời dạy của Đức Phật về việc phải bảo vệ giác quan của mình để tránh lâm vào “đường ác” – chính là những cảm xúc tiêu cực hoặc những suy nghĩ khiến ta có thể làm điều gì tiêu cực.
Cụ thể, bảo vệ giác quan tức là bạn phải biết điều hướng sự chú ý của mình bằng cách:
- Cố gắng nhìn một cách toàn diện vấn đề: Mỗi sự việc đều có hai hay nhiều mặt, kể cả khi bạn thấy điều gì đó thật kinh khủng xảy ra thì nó cũng hàm chứa một bài học và ý nghĩa gì đó cho bạn. Giờ nếu bạn chỉ sờ cái tai voi rồi tưởng tượng ra con voi bè bè như cái quạt ấy thì không ổn tẹo nào.
- Cố gắng dẹp bỏ suy nghĩ tiêu cực. Nếu cái bạn chú ý làm khởi lên trong bạn thứ gì đó tiêu cực, thì bạn cần dừng chú ý và chuyển hướng ngay sang khía cạnh khác tích cực hơn. Đây không phải là trốn tránh – mà là một biện pháp giúp bạn ngay lập tức không tạo ác nghiệp gây ra bởi suy nghĩ tiêu cực (đúng ra là bạn vẫn đã tạo ác nghiệp – nhưng mới ở mức độ nhẹ là dạng suy nghĩ, còn nếu từ đó bạn phát ra lời nói, hành động ác thì hậu quả nặng hơn gấp bội). Lí do: lúc đó hầu như bạn sẽ khó có đủ tỉnh táo để suy xét và làm gì hay ho được vì bạn đang bị cảm xúc tiêu cực chi phối. Nên tốt nhất bạn hãy kiềm chế cho đến khi cảm xúc đó lắng xuống và bạn bắt đầu sẵn sàng mổ xẻ vấn đề.
Sau khi bảo vệ giác quan và bình tâm trở lại, bạn hãy thử mổ xẻ vấn đề thế này:
- Tại sao bạn lại có cảm xúc tiêu cực, bực bội? Vì bạn không hài lòng với những chuyện xảy ra không vừa ý bạn. Tại sao bạn không hài lòng? Vì bạn kỳ vọng mọi chuyện xảy ra theo ý bạn. Kỳ vọng đó có hợp lý không? Không hợp lý vì bạn đâu phải trung tâm vũ trụ; hơn nữa mọi thứ luôn thay đổi, chẳng bao giờ nó sẽ mãi y nguyên một trạng thái bạn mong muốn cả. Nhưng cũng hợp lý ở chỗ bạn có thể thay đổi được hoàn cảnh cơ mà? Nếu bạn có thể thay đổi được hoàn cảnh hay xử lý vấn đề thì hãy làm đi, bạn đâu phải cái cây. Còn nếu bạn không thay đổi được thì tốt hơn nên học cách “sống chung với lũ”. Vậy nên bạn hãy tập trung tinh lực vào việc thay đổi hoàn cảnh thay vì phản ứng tiêu cực theo thói quen. Đồng thời, hãy thôi kỳ vọng quá nhiều và bạn sẽ bớt thất vọng đi nhiều. Đó là tính chất vô thường của vạn vật như Đức Phật đã dạy.
- Tại sao bạn lại phải “hung dữ” như vậy? Vì họ động đến quyền lợi, lợi ích, an vui,…túm lại là động đến thứ gì của bạn, thuộc về bạn. Bạn là ai? Là thân và tâm này. Thân tâm của bạn phụ thuộc vào điều gì để tồn tại? Là thức ăn, nước uống, không khí, điều kiện tự nhiên khác… Thế các điều kiện tự nhiên làm nên thân tâm bạn đó có phải của bạn không? Không phải. Thế thì thân tâm này nói đúng ra đâu phải của bạn – bạn đang “tạm vay mượn” nó của tự nhiên đấy thôi, nó thuộc về tự nhiên. Vậy bạn buồn phiền vì nó, xửng cồ lên vì nó để làm gì? Vừa thấy bực bội, mất hết an vui, tự tại, vừa tạo nghiệp ác cho bản thân? Bạn không cần phải gánh nặng những thứ không thuộc về mình. Đó chính là tinh thần vô ngã của Đạo Phật.
2:20 AM rồi, tôi phải dừng bút thôi, tâm sự cũng khá nhiều. Từ mai tôi tự hứa với mình sẽ tìm cách kiểm soát và tiến tới diệt trừ cơn giận dữ (yếu tố sân trong tham-sân-si), chuyển hóa nó thành thứ gì có ích và lành mạnh hơn cho bản thân và mọi người xung quanh. Đức Phật còn dạy nhiều cách khác để xử lý “sân” mà tôi sẽ bàn đến trong các bài viết tiếp theo. Cám ơn bạn đã lắng nghe, bạn thử ngẫm cùng tôi những điều trên nhé. Chúc bạn ngủ ngon!