Đã từ lâu, tôi không còn nghe nhạc trẻ Việt, không thể phủ nhận có 1 số bài hát hay, nhưng đa số bây giờ toàn bài xàm xí, và nghe vào thấy lợi thì ít, hại thì nhiều. Dù tôi không chủ động nghe, nhưng do sống trong môi trường nhiều bạn trẻ, nên những bài gọi là hot trend tôi cũng được biết qua qua, trong đó có bài “Độ ta không độ nàng” – đang gây bão mạng xã hội gần đây.

Qua tìm hiểu thì bài hát này được phổ lời Việt dựa trên một bài hát tiếng Hoa và trở thành nhạc phim của một bộ phim hoạt hình 3D khá đẹp về một câu chuyện tình giữa một cô quận chúa và một vị hòa thượng. Hai người chơi với nhau từ nhỏ, lớn lên có tình cảm nhưng không đến được với nhau vì hòa thượng còn tu hành. Sau đó cô quận chúa bị ép lấy Thái tử và đã treo cổ tự tử. Vị hòa thượng khi biết tin đã đi giết Thái tử bằng một nhát kiếm để trả thù cho cô gái… Một câu chuyện tình rất bi thương!

Do tôi không biết tiếng Hoa nên chỉ đang bàn tới lời Việt. Lời bài hát thể hiện tâm trạng bi thương của một vị tu sĩ khá sát với cốt truyện ở trên. Không có gì ngạc nhiên với những oán trách si mê đó, vì nếu không phải quá si mê, thì vị tu sĩ đã không bị thất tình lục dục chi phối đến mức như vậy. Đây cũng là câu chuyện đâu đó vẫn gặp trong thực tế, khi người xuất gia tu hành chưa cắt đứt trần duyên và luyến ái thế tục. Vì phản ánh đúng tâm trạng kèm theo giai điệu khá dễ nghe nên bài hát đã sớm trở nên đình đám.

Tuy nhiên, với những ai thực sự là người tu hành hoặc có hiểu biết đúng đắn về Đạo Phật, thì ngay từ cái tên bài hát “Độ ta không độ nàng” và hai câu đầu của bài hát “Phật ở trên kia cao quá; Mãi mãi không độ tới nàng” đã thể hiện sự oán trách dựa trên ảo tưởng sai lệch về Đạo Phật. Xuyên suốt bài hát, tư tưởng tu hành sai lệch ấy càng thể hiện rõ thông qua những câu như “Vạn dặm tương tư vì ai”, “Tiếng mõ vang lên phũ phàng”, “Mộng này tan theo bóng phật”, “Trả lại người áo cà sa”…  Một số ý kiến cho rằng bài hát này nên được cấm thịnh hành. Vì lí do tác động tiêu cực của nó không hề nhỏ trong việc hình thành quan niệm sai lệch và làm méo mó hình ảnh về Đạo Phật nói chung, người xuất gia nói riêng. Đồng thời, thông qua cốt truyện hư cấu trên, vô tình cổ xúy cho lối ứng xử bạo lực, chém giết khi bản thân bị thất tình hoặc bị làm cho đau khổ tuyệt vọng – một hiện tượng đã xảy ra thông qua một số vụ án mạng hiện nay. Nguy hiểm nhất là bài hát đang lan truyền rộng trong giới trẻ – những người còn chưa chín chắn, dễ bị ảnh hưởng, dễ bị tổn thương và DỄ BẮT CHƯỚC NHỮNG TRÒ NGU.

Vài lời gửi gắm tới những người tu (chùa): Đức Phật chỉ là người chỉ đường, còn có đi trên con đường đó hay không, và đi rồi có tới nơi hay không hoàn toàn do cá nhân mỗi người tự quyết định và tự chịu trách nhiệm. Đối với một số người tu, nhất là trong giai đoạn đầu hoặc khi bạn còn đang căng tràn sức trẻ, sự vương vấn dục lạc luyến ái đôi khi vẫn có thể khởi lên, thậm chí khởi lên mãnh liệt như trong trường hợp bài hát này. Đó là chuyện hết sức bình thường và dễ hiểu của bản năng tự nhiên. Lúc đó, bạn hãy tự hỏi vì sao bạn chọn con đường xuất gia tu hành. Nếu đó là vì trốn tránh cuộc đời hay chỉ đơn giản là thích không gian thanh tịnh cửa chùa thì tốt nhất bạn nên suy nghĩ lại về việc hoàn tục sớm ngày nào hay ngày đó. Bởi vì đó không phải mục đích chính của việc tu hành, và không sớm thì muộn bạn sẽ lại bị cám dỗ dục lạc thôi thúc và rất khó vượt qua. Còn nếu bạn chọn xuất gia vì mong muốn sâu sắc về giải thoát thì hãy khởi tâm dũng mãnh để vượt qua, đồng thời nhờ thầy bạn đồng tu giúp đỡ. Nếu đã làm mọi cách vẫn không thể thoát khỏi ái dục thì tốt nhất bạn nên hoàn tục để giữ cho nơi tu hành được thanh tịnh.

Khuyến nghị: Nếu bạn vẫn muốn nghe nhạc bài này thì tốt nhất nên nghe lời tiếng Trung (chỉ áp dụng trong TH bạn không hiểu tiếng Trung) hoặc nghe các phiên bản khác lành mạnh hơn như: “Tự thân nàng cứu độ nàng” (phổ lời: Sư thầy Thích Đồng Hoàng, ca sĩ: Phương Thanh), hoặc “Đời ta từ nay không lụy sầu” (phổ lời: TT. Thích Nhật Từ, ca sĩ: Quách Tuấn Du).